Trong công tác chăm sóc giáo dục toàn diện cho trẻ mầm non. Mục tiêu giữ gìn sức khoẻ và phát triển thể chất cho trẻ là một trong những mục tiêu vô cùng quan trọng. Trẻ muốn giữ gìn được sức khoẻ nhất thiết phải giữ cơ thể sạch sẽ. Trẻ em nếu được chăm sóc nuôi dưỡng đầy đủ sẽ ít ốm đau bệnh tật và phát triển tốt. Công tác chăm sóc giáo dục vệ sinh cá nhân trẻ trong độ tuổi mầm non là việc làm thiết thực nhằm giúp trẻ có nền nếp thói quen vệ sinh là một cách hiệu quả để chủ động phòng ngừa bệnh tật, tăng cường sức khỏe, hình thành những kỹ năng sống cơ bản đầu tiên, góp phần tạo nguồn lực có chất lượng trong tương lai.
Một trong những cách phòng tránh dịch bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt, những công việc vệ sinh hàng ngày tưởng như rất đơn giản như đánh răng, rửa mặt, rửa tay....nhưng lại rất cần thiết trong đời sống hàng ngày của trẻ. Vệ sinh đúng cách đặc biệt quan trọng với trẻ em trong độ tuổi đến trường. Phần lớn các bệnh ở trẻ em đều lây lan từ trường học, nơi mà vi khuẩn phát rất tán nhanh. Nếu chúng ta giáo dục con vệ sinh đúng cách ngay từ khi còn nhỏ, trẻ có thể giữ thói quen này đến suốt đời.
Làm tốt việc vệ sinh cá nhân không chỉ giúp tạo ấn tượng tốt với những người xung quanh mà còn giúp chúng ta duy trì một sức khỏe tốt. Vệ sinh đúng cách còn có tác dụng phòng bệnh rất tốt. Để hiểu rõ hơn lợi ích của việc vệ sinh cá nhân, Tôi xin tuyên truyền với các bậc phụ huynh về kĩ năng rửa tay cho trẻ.
- Bàn tay là nơi phát tán vi khuẩn nhiều hơn bất cứ bộ phận nào trên cơ thể. Do đó rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và rửa đúng cách theo các bước của bộ y tế, việc rửa tay thường xuyên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo vệ sinh, Thói quen này sẽ giúp chúng ta không bị lây nhiễm mầm bệnh đặc biệt cần thiết khi trẻ thường dùng tay bẩn để bốc thức ăn và hầu như không ý thức về việc phải rửa tay trước.
Phải rèn cho trẻ thói quen thường xuyên rửa tay để đảm bảo vệ sinh
Dạy trẻ luôn ghi nhớ việc rửa tay:
- Trước khi cầm đồ ăn vặt và trước các bữa ăn
- Trước và sau khi chế biến thức ăn
- Trước khi chạm vào em bé sơ sinh hoặc em bé mới tập đi
- Sau khi chơi ở ngoài vườn
- Sau khi sử dụng nhà vệ sinh
- Sau khi chơi cùng động vật nuôi
- Sau khi vứt rác
- Sau khi đổi và dọn chuồng của động vật nuôi.
- Sau khi lấy hỉ mũi và hắt hơi.
Ngay từ ngày đầu tiên đi học trở lại, các cô giáo cũng đã giúp trẻ nhớ lại cách rửa tay theo 6 bước và cho trẻ thực hiện thường xuyên. Sau mỗi hoạt động ở trường, trẻ đều được cô cho rửa tay với xà phòng để rèn nền nếp và ý thức giữ vệ sinh cá nhân.
Hãy cùng nhắc lại cho trẻ nhớ 6 bước rửa tay nhé:
Các vật dụng cần chuẩn bị:
- Chuẩn bị vòi nước sạch vừa tầm với của bé
- Xà phòng (xà bông) hoặc nước rửa tay diệt khuẩn chuyên dụng dành cho cho trẻ em
- Khăn tay khô sạch hoặc giấy lau tay
Các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Làm ướt hai bàn tay dưới vòi nước sạch sau đó lấy 1 lượng xà phòng vừa đủ vào lòng bàn tay. Chà đều 2 lòng bàn tay với nhau để tạo bọt.
- Bước 2: Dùng lòng bàn tay này chà lên mu bàn và 4 kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và làm ngược lại
- Bước 3: Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch các kẽ ngón tay.
- Bước 4: Chà mu các ngón tay của bàn tay này lên bàn tay kia sao cho khum khớp với lòng bàn tay và ngược lại
- Bước 5: Chà ngón cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái) và ngược lại)
- Bước 6: Xoay các đầu ngón tay của tay này vào lòng bàn tay kia và làm ngược lại. Cuối cùng rửa sạch tay dưới vòi nước sạch, lau khô tay bằng khăn khô hoặc khăn giấy đã chuẩn bị.
- Làm thế nào để tạo ra thói quen cho trẻ?
- Cha mẹ hãy là những người “gương mẫu” vệ sinh tay sạch sẽ trước mặt con để giúp con rèn luyện kỹ năng rửa tay đúng cách và thấy được tầm quan trọng của việc làm này.
- Ba mẹ nên thường xuyên “nhắc nhở” trẻ, dành thời gian để rửa tay cùng con và không cho con làm việc khác nếu con không chịu rửa tay.
- Trẻ em chưa thể hiểu được vì sao chúng phải rửa tay, vì thế mà cha mẹ nên giải thích một cách đơn giản nhất là việc rửa tay sẽ tiêu diệt hết những con vi khuẩn có hại khiến con bị ốm.
- Ba mẹ có thể tạo hứng thú cho trẻ mỗi lần rửa tay bằng một video hoặc một bài hát ngắn, gần gũi với trẻ nhỏ để minh họa.
- Khen ngợi trẻ mỗi lần mà trẻ thực hiện tốt để tạo động lực giúp trẻ vui vẻ hơn trong mỗi lần thực hiện tiếp theo.
- Qua một số kỹ năng rửa tay cho trẻ đúng cách trên đây hy vọng đã giúp ba mẹ có thêm những kiến thức bổ ích cũng như tạo được thói quen rửa tay sạch sẽ cho đứa con bé bỏng của mình.
-
Như vậy. Rèn cho trẻ cách rửa tay ở mọi lúc mọi nơi, rửa khi thấy tay bẩn, sau khi đi vẹ sinh, rửa tay trước khi ăn, rửa sau khi tham gia lao động.....là việc nên làm và bắt buộc phải làm giúp đôi tay của trẻ luôn sạch và tránh bị vi khuẩn xâm nhập vào.