Mưa kéo dài, độ ẩm không khí quá cao tạo điều kiện cho nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi phát triển. Đây là những tác nhân trực tiếp khiến trẻ đổ bệnh. Do đó, cần quan tâm và chăm sóc trẻ đúng cách để giúp trẻ phòng và điều trị bệnh, tránh những biến chứng nặng ảnh hưởng tới sức khỏe thậm chí nguy hiểm tính mạng
Thời tiết nồm, ẩm ướt trên tường, nền nhà, nấm mốc mọi nơi,…có thể xâm hại và khiến trẻ mắc bệnh, đặc biệt là những nhóm bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, hen phế quản. Các nhóm bệnh lý về đường hô hấp đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của trẻ, khiến trẻ ho không dứt, lên cơn ho sặc sụa kéo dài. Đối với những trẻ bị viêm phế quản ngoài triệu chứng ho dai dẳng có thể gây phù nề, khó thở. Trong khi những bệnh lý này phần lớn không đặc hiệu với kháng sinh nên việc điều trị cần kiên trì, và tái khám thường xuyên để đảm bảo bệnh không tái phát.
Bổ sung đủ nước và trái cây tươi giúp tăng cường chất đề kháng cho trẻ
Thời tiết nồm ẩm như hiện nay tạo điều kiện lý tưởng cho vi rút sinh sôi, phát triển và trở thành nguyên nhân gây bệnh cho trẻ. Đặc biệt ở những trẻ có cơ địa dị ứng, trẻ suy giảm miễn dịch, những trẻ bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen do tác động của không khí ẩm, kết hợp với các tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà khiến cơn hen bùng phát.
Chăm sóc và điều trị tránh những biến chứng nặng cho trẻ, các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi trẻ mắc bệnh đường hô hấp với các dấu hiệu ho, sốt, sổ mũi, khó thở… các bậc cha mẹ cần cho trẻ đi khám bệnh kịp thời. Trong quá trình điều trị cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, chú ý vệ sinh mũi họng sạch sẽ tránh mầm bệnh còn lưu lại trong cơ thể.
Ngoài ra, cần theo dõi nhịp thở của trẻ, nếu trẻ có dấu hiệu thở nhanh khi đang nằm yên, không khóc, không bú thì chứng tỏ bệnh nặng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chăm sóc, điều trị kịp thời.
Cha mẹ cần chú ý vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo môi trường sống khô thoáng cho trẻ và tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn dịch bệnh. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo lịch tiêm phòng quốc gia.
Lưu ý cách chăm sóc trẻ trong thời tiết nồm ẩm
– Đảm bảo môi trường sống khô ráo cho trẻ, giặt giũ thường xuyên và phơi khô những vật dụng trẻ thường tiếp xúc. Đặc biệt, trong phòng ngủ nên dùng máy hút ẩm cho trẻ, quần áo của trẻ nên sây khô trước khi cho trẻ mặc.Chú ý tới những tủ sách lâu năm trong gia đình, bởi mốc từ sách có thể là ổ bệnh hoặc yếu tố kích thích cơn hen của trẻ.
Cho trẻ đi khám chuyên khoa định kỳ để đảm bảo phát hiện và điều trị mọi mầm bệnh kịp thời
– Do hệ miễn dịch yếu, trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm với thời tiết, nên dễ nhiễm bệnh. Vì vậy, cha mẹ cần tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ, trẻ cần được uống đủ nước và ăn đồ ăn dễ tiêu hoá, ăn nhiều hoa quả tươi nhằm tăng sức đề kháng, phòng bệnh.
– Khi độ ẩm không khí tăng cao, nên đóng kín cửa để hạn chế không khí ẩm vào nhà. Lau nhà bằng các khăn khô thấm hút nước tốt. Thay vỏ gối, chăn ga thường xuyên để phòng ẩm, nấm mốc trong chăn ga.
– Thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho trẻ, đặc biệt trong những thời khắc chuyển mùa nên cho trẻ đi khám chuyên khoa để được tư vấn phòng ngừa cũng như điều trị bệnh cho trẻ.